Hát Xoan, tỉnh Phú Thọ thuộc tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, một dấu ấn văn hoá thời kỳ bình minh dựng nước, giữ nước vẫn lưu truyền đến ngày nay. (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản)
Báo Nhân Dân phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Ðức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) về ý nghĩa, giá trị và tầm nhìn sâu rộng của Ðảng ta về văn hóa kết tinh trong bản Ðề cương này.
Phóng viên: Tròn 80 năm trước, bản Ðề cương về Văn hóa Việt Nam đã được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Ðảng tháng 2/1943. Vì sao bản Ðề cương này được coi là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam và sự phát triển văn hóa của đất nước, thưa Phó Giáo sư?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Ðức: Bởi vì, bối cảnh ra đời của bản Ðề cương này là vào đầu những năm 40 của thế kỷ 20, khi chủ nghĩa phát-xít bắt đầu mở rộng chiến tranh. Từ năm 1941 đến năm 1943, phát-xít Nhật đã chính thức nhảy vào Ðông Dương và Việt Nam để tranh giành ảnh hưởng với thực dân Pháp.
Nhân dân Việt Nam khi ấy chịu cùng lúc “một cổ ba tròng” (thực dân Pháp, phát-xít Nhật và chế độ phong kiến thuộc địa). Cả về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa đều chìm trong tình trạng nô dịch, người dân lao động bị bóc lột, bị áp đặt chính sách “ngu dân”, nên hơn 95% dân số mù chữ, đời sống tinh thần hết sức nghèo nàn, bị đầu độc bởi văn hóa thực dân và phát-xít...
Thời điểm ấy, Ðảng ta nhận thức rằng không thể làm cách mạng chính trị mà không quan tâm tới cách mạng văn hóa. Phải làm thế nào để khơi dậy động lực phát triển của dân tộc-tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự cường và thức tỉnh tinh thần dân tộc lên một tầm cao mới.
Đề cương về Văn hóa Việt Nam. (Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo)
Lần đầu tiên Ðảng ta đã xác định một cách cơ bản, có hệ thống những tư tưởng chiến lược về phát triển văn hóa trong thời kỳ mới, đặc biệt là đặt văn hóa như một bộ phận quan trọng của cách mạng; và sự nghiệp phát triển văn hóa ấy phải đặt dưới sự lãnh đạo của Ðảng.
Trong rất nhiều hội thảo quốc gia, kỷ niệm 80 năm ra đời Ðề cương về Văn hóa Việt Nam, rất nhiều ý kiến của lãnh đạo Ðảng, của các nhà khoa học đều khẳng định đây là một văn kiện có ý nghĩa chiến lược đặc biệt về phát triển văn hóa dân tộc, gắn liền với sự lãnh đạo của Ðảng trong thời kỳ mới.
Phóng viên: Với độ lùi thời gian 80 năm, theo Phó Giáo sư, giờ đây chúng ta có thể nhìn lại và đánh giá như thế nào về ý nghĩa thời đại, những giá trị cốt lõi về lý luận và thực tiễn, tầm ảnh hưởng của bản Ðề cương về Văn hóa Việt Nam với sự nghiệp cách mạng Việt Nam?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Ðức: Giá trị thời đại của Ðề cương đã kết tinh những tư tưởng cốt lõi, cơ bản của văn hóa, đó là: Văn hóa là một mặt trận; Ðảng lãnh đạo văn hóa; phương châm vận động của văn hóa... Những giá trị ấy được khẳng định không chỉ trong Cách mạng Tháng Tám, mà còn tiếp tục trong chín năm kháng chiến trường kỳ; các “binh chủng” văn hóa của chúng ta đã được tập hợp lại (văn chương, nghệ thuật, báo chí, đội ngũ trí thức khoa học...), sẵn sàng từ bỏ tất cả những danh vọng, lợi ích cá nhân, để đi theo cách mạng theo tiếng gọi của lương tri, của Tổ quốc, của nhân dân, vì chính nghĩa của dân tộc; vì khát vọng giải phóng dân tộc.
Khi bước vào thời kỳ hòa bình ở miền bắc, rồi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tư tưởng của bản Ðề cương vẫn tiếp tục soi rọi và được thể hiện trong các văn kiện Ðại hội Ðảng. Ðặc biệt, Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (7/1998) là một văn kiện mang tầm chiến lược ở thời kỳ mới, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; ở đây có sự kế thừa từ Ðề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943.
Nhìn lại quá trình lãnh đạo văn hóa của Ðảng ta có thể thấy chúng ta đã xử lý rất khéo léo mối quan hệ giữa chính trị, kinh tế và văn hóa. Ðất nước càng phát triển thì càng phải giải quyết bài toán văn hóa. Trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề xây dựng con người, chống sự tha hóa về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI Ðảng ta đã đưa ra quan điểm: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Ðại hội XIII của Ðảng đã tiếp nối mạch nguồn từ Ðại hội XI qua Ðại hội XII. Chúng ta xử lý tốt nhất có thể mối quan hệ giữa chính trị-kinh tế-văn hóa và xác định rõ chiến lược tổng thể phát triển của đất nước, trong đó: phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng Ðảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Phóng viên: Xin Phó Giáo sư phân tích rõ hơn về kết quả vận dụng ba nguyên tắc dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa của Ðề cương về Văn hóa Việt Nam trong định hướng phát triển văn hóa của đất nước do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Ðức: Ðề cương đã nhấn mạnh ba nguyên tắc cũng là ba phương châm vận động văn hóa. Dân tộc hóa là phải khẳng định lại các giá trị trong truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Quá trình lịch sử của dân tộc ta đã xây dựng được các giá trị văn hóa, bao gồm giá trị vật chất và giá trị tinh thần, là hồn cốt của dân tộc. Ðồng thời phải bảo vệ các giá trị ấy trước những sóng gió của thời đại.
Ðấy là tinh thần độc lập dân tộc từ bài thơ thần của Lý Thường Kiệt đến ý chí chống xâm lược của nhà Trần; của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ...; cho đến thời đại Hồ Chí Minh là ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Yêu nước phải gắn liền với yêu truyền thống văn hóa dân tộc, mà các giá trị văn hóa dân tộc là khởi điểm của tinh thần yêu nước. Bất cứ một dân tộc nào, nếu bị mất ký ức thì dân tộc ấy sẽ diệt vong. Cho nên truyền thống văn hóa chính là “bộ gien di truyền” của dân tộc.
Bộ gien di truyền này được tiếp nối, được bổ sung qua các thế hệ; nếu mất đi bộ gien di truyền này thì dân tộc đó sẽ thoái hóa. Dân tộc hóa, vì thế, đã chạm được vào trái tim của mọi người dân, cũng như khẳng định tinh thần quật khởi của dân tộc. Tinh thần dân tộc, ý thức dân tộc, lợi ích quốc gia, dân tộc phải thấm vào trong lĩnh vực văn hóa!
Hội Gióng một trong bốn vị “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, một hình tượng đẹp đẽ, hào hùng nhất trong kho tàng truyền thuyết Việt. Sức hấp dẫn Hội Gióng trước hết là ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, truyền thống võ công, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản)
Với nguyên tắc khoa học hóa, trước một cuộc chuyển đổi của cách mạng, chúng ta phải tập trung xây dựng một nền văn hóa dân tộc, trong đó trình độ dân trí là cơ sở; trình độ khoa học kỹ thuật là các trụ cột để nâng nền văn hóa lên tầm mức cao hơn.
Bác Hồ nói “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Dù phát triển kinh tế bao nhiêu đi nữa, nhưng nếu không có văn hóa bác học, không có những trụ cột khoa học, nâng đỡ và người dân không hiểu biết về khoa học kỹ thuật, sống trong tình trạng u mê của mê tín dị đoan, của những lề thói cũ thì dân tộc không thể nào phát triển được.
Trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, mà tình trạng mê tín dị đoan nở rộ trở lại, đạo đức xã hội suy thoái, lòng người lại trơ lạnh... thì đó là điều báo động. Chúng ta phải phát triển dân tộc có lý trí, khôn ngoan, bản lĩnh trong quá trình hội nhập. Cho nên, giá trị khoa học hiện nay rất quan trọng, để chúng ta khắc phục những lề thói cũ đã lạc hậu trong văn hóa truyền thống. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã nhấn mạnh việc khắc phục những mặt yếu kém của người Việt và những thói hư tật xấu.
Về nguyên tắc đại chúng hóa, thời kỳ Ðề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời đã nhấn mạnh đưa văn hóa trở về với quần chúng, truyền bá trong công nhân, nông dân, người lao động khác. Trong thời đại ngày nay, nguyên tắc đại chúng đã được cụ thể hóa một cách sâu sắc hơn, toàn diện hơn thông qua đặc trưng của nền văn hóa mà Ðảng ta đã xác định là “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” với bốn đặc trưng: Dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học.
Dân chủ ở đây chính là đại chúng, văn hóa phải đáp ứng nhu cầu của nhân dân và người dân có cơ hội để tiếp cận, có quyền phát triển văn hóa của mình; hướng vào phục vụ cho con người, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người.
Trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập này, văn hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm mà còn hướng tới làm giàu bằng văn hóa, phát triển kinh tế trên cơ sở phát triển văn hóa (tức là các ngành công nghiệp văn hóa). Tất nhiên, phải đặc biệt quan tâm tới các giá trị nhân văn của sản phẩm công nghiệp văn hóa, đừng để mục tiêu lợi nhuận làm tha hóa con người bằng những sản phẩm yếu kém.
Phóng viên: Trong 80 năm qua, đời sống xã hội đã trải qua biết bao thay đổi, thăng trầm, nhưng dường như trong bất cứ giai đoạn và bối cảnh nào, Ðề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 vẫn giữ nguyên giá trị. Phó Giáo sư có thể cho biết Ðảng ta đã có các giải pháp phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu chấn hưng văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Ðức: Ðảng ta khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển bền vững đất nước; nhấn mạnh văn hóa là nguồn lực nội sinh của dân tộc, có vai trò quyết định đối với sự phát triển của dân tộc.
Ðây là tư tưởng rất lớn. Nguồn lực nội sinh ở đây chính là tinh thần dân tộc, ý thức dân tộc, tinh thần tự cường dân tộc đã kết tinh ở văn hóa. Khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội thì phải đầu tư cho văn hóa một cách tương xứng; phải xây dựng một nền kinh tế nhân văn, vì con người và chống lại sự suy thoái của con người.
Trong bối cảnh hiện nay, phải tập trung xây dựng hệ giá trị quốc gia để làm điểm tựa khai thác sức mạnh đoàn kết của dân tộc, hướng vào phục vụ cho việc thực hiện mục tiêu của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Làm sao để có môi trường văn hóa nhân văn, nhân bản, nhân ái. Trong xã hội ngày nay, con người ai cũng muốn thành đạt nhưng thành đạt phải theo cách không gây phương hại cho xã hội. Những giá trị về con người, giá trị gia đình, giá trị văn hóa, giá trị quốc gia phải tạo thành một thể thống nhất.
Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư, bài học lớn nhất, bao trùm và xuyên suốt nhất của Ðề cương về Văn hóa Việt Nam trong quá trình lịch sử 80 năm qua là gì?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Ðức: Theo tôi, muốn lãnh đạo văn hóa trong thời đại ngày nay thì Ðảng phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, để toàn Ðảng ta, từ lãnh đạo cao cấp ở Trung ương cho tới cơ sở, phải nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí của văn hóa; đặc biệt chú ý tới công tác xây dựng văn hóa trong Ðảng, văn hóa trong hệ thống chính trị. Ðiểm then chốt nhất là nhân cách của người lãnh đạo.
Người dân tin Ðảng, tin chính quyền hay không phụ thuộc vào hành động của đội ngũ cán bộ. Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa trọng nhân cách. Vì thế, truyền thống văn hóa dân tộc phải được tiếp nối; phải xây dựng bản lĩnh, nhân cách của các nhà hoạt động chính trị.
Ðảng ta đã có chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cao cấp, trước hết là quy định về nêu gương. Ðây là điểm hết sức cơ bản, khi chấn chỉnh được thì sẽ tạo ra sức mạnh rất to lớn, lòng tin của người dân sẽ được củng cố; từ đó Ðảng và Nhà nước khai thác được động lực tinh thần của nhân dân, để cùng đồng lòng dấn thân cống hiến cho sự phát triển bền vững đất nước.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!
Trích dẫn: tuyengiaokhanhhoa.vn